Jogakbo – Nghệ thuật ghép vải vụn truyền thống Hàn Quốc

Jogakbo – Nghệ thuật ghép vải vụn truyền thống Hàn Quốc

Nếu xem những bộ phim cổ trang Hàn Quốc hoặc những buổi tiệc mang nét truyền thống Hàn Quốc thì chắc chắn đâu đó ta cũng sẽ thấy những họa tiết “vải vụn”. Vậy những họa tiết đó là gì nhỉ? Các bạn đã nghe đến Jogakbo (조각보) – nghệ thuật ghép vải vụn chưa? Nếu chưa thì bài viết này của Zila sẽ cung cấp những thông tin đầy đủ nhất về nét văn hóa nghệ thuật truyền thống này.

Jogakbo

I. JOGAKBO LÀ GÌ?

Jogakbo (조각보) được ghép từ hai từ “조각” với nghĩa là “mẫu, mảnh” và “보” với nghĩa là “miếng vải bọc ngoài”. Do đó, ta có thể hiểu đơn giản Jogakbo (조각보) là miếng vải bọc ngoài bojagi (보자기) được ghép từ mảnh vải nhỏ.

JogakboJogakbo còn được nhắc đến như một nghệ thuật ghép vải vụn truyền thống của Hàn Quốc. Jogakbo được tạo nên từ việc vá bằng tay các mảnh vải vụn rời rạc lại với nhau không theo bất cứ trật tự nào. Vào sơ kỳ nó được xem như một vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Và hiện nay cũng là một trong những tác phẩm đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc.

 

II. NGUỒN GỐC CỦA JOGAKBO 

Vào khoảng hơn 200 năm trước, vào thời kỳ Joseon, vải là một trong những vật phẩm vô cùng quý giá, quý hiểm. Từ các loại vải gai sần sùi đến loại vải lụa đắt tiền, tất cả các loại vải đều được người dân ở bán đảo Triều Tiên lúc bấy giờ rất trân trọng. Do đó, những mảnh vải vụn thừa sau khi may bao gối và may quần áo đều được những người phụ nữ thu thập và giữ lại.

Thông qua việc tái sử dụng để tiết kiệm nguyên vật liệu của người phụ nữ Joseon ngày xưa, Jogakbo đã được ra đời từ đó. Các mảnh vải thừa nhỏ bé ấy, dưới đôi tay khéo léo của những người phụ nữ, đã được tái sinh thành một vật dụng thường ngày vô cùng hữu dụng. 

JogakboCho đến hiện nay, Jogakbo vẫn còn mãi giữ nguyên công dụng chính của mình và được ứng dụng làm họa tiết trang trí trong nhiều lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, còn được công nhận mang giá trị nghệ thuật cao và là di sản văn hóa của Hàn Quốc.

 

III. PHÂN LOẠI JOGAKBO

Dựa trên họa tiết, Jogakbo cũng được phân thành nhiều loại khác nhau. Ngày nay, cũng được ghi nhận với đa dạng các hoa văn khác nhau nhưng trong đó có 5 kiểu chính. 

1. Jogakbo họa tiết tam giác (세모 조각보)

JogakboKhi nhìn vào Jogakbo họa tiết tam giác đó là sự gắn kết của nhiều hình tam giác và tổng thể sẽ tạo ra một hình vuông. Sự phối hợp màu sắc rất quan trọng vì nó là một họa tiết lặp đi lặp lại một cách có trật tự. Việc bố trí các mảnh cùng màu theo đường chéo là điều bình thường, nhưng nếu sử dụng chủ yếu các màu gốc sẽ tạo cảm giác rực rỡ. Thay vào đó sử djng chủ yếu màu pastel sẽ tăng gấp đôi sự trang nhã.

2. Jogakbo họa tiết tứ giác (사각 조각보)

JogakboJogakbo họa tiết tứ giác là họa tiết được tạo ra bằng cách ghép các hình tứ giác theo nhiều trật tự khác nhau. Việc bố trí màu và họa tiết của Jogakbo này đã làm tăng thêm vẻ đẹp mang tính cấu trúc.

3. Jogakbo họa tiết chong chóng (바람개비보)

JogakboHọa tiết chong chóng gió về cơ bản sử dụng phương pháp bố trí của Jogakbo họa tiết tam giác. Tuy nhiên, đặc trưng của nó là sử dụng cùng một màu trong bốn tam giác để tạo ra hình ảnh cánh chong chóng quay theo một hướng nhất định giống như xoay vòng. Họa tiết này cũng cho thấy sự tinh tế của phụ nữ Hàn Quốc trong việc sáng tạo ra họa tiết trang trí. 

4. Jogakbo bát giác (팔각목판보)

JogakboJogakbo bát giác sử dụng các hình tam giác có kích thước khác nhau để tạo nên tổng thể bát giác. Theo truyền thống, nó được đặt tên tương tự với hình dạng của khay trà hình bát giác được sử dụng trong gia đình. 

5. Jogakbo tự do (자유 창작 조각보)

JogakboJogakbo tự do được xem là tinh hoa của nghệ thuật Jogakbo. Thoát ly khỏi các hình dạng cố định, Jogakbo tự do như cái tên của nó là sự tự do, bất quy tắc nhưng vẫn rất hài hòa trong việc sắp xếp các mảng màu với nhau. Sự kết hợp giữa đường chéo, đường thẳng, hình tam giác, hình vuông, đối xứng và bất cân xứng thể hiện rõ cảm xúc của người tạo ra. Vì vậy, họa tiết tự do thường được đánh giá là cho thấy vẻ đẹp phong phú hơn bất kỳ tác phẩm trừu tượng nào. 

 

IV. ĐẶC TRƯNG CỦA JOGAKBO

Vào thời kỳ Joseon, Jogakbo được sử dụng chủ yếu trong cuộc sống của dân thường hơn là ở trong hoàng cung. Và đây là một vật dụng vô cùng giản dị được sử dụng đa dạng. Nó được tái sinh như một tấm khăn Bojagi (보자기). Thường dùng để gói quà, phủ mâm cơm, khăn gói để bảo quản đồ dùng, khăn phủ lễ vật trong lễ cưới,…

JogakboĐặc trưng của Jogakbo còn nằm ở các đường kim mũi chỉ để ghép các mảnh lại với nhau. Đường may không phải là mũi đột thưa mà là mũi khâu vắt. Mũi khâu vắt giúp cho đường may nhìn khít với nhau giúp cho tổng thể Jogakbo cảm giác tỉ mỉ, tinh tế và cao cấp. Từ ngày xưa, những người phụ nữ Joseon đã suy nghĩ được đến khía cạnh này, 

Ngoài ra, vì được làm từ những mảnh vải thừa sau khi may quần áo nên so với bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào, Jogakbo mang giá trị nghệ thuật cao với màu sắc hài hòa và có sự cân bằng màu sắc nổi bật. Vì thế đây được đánh giá là một tác phẩm nghệ thuật trừu tượng độc đáo đậm nét Hàn Quốc truyền thống. 

 

V. Ý NGHĨA CỦA JOGAKBO

Đây là sản phẩm tinh thần được tạo nên từ bàn tay của người phụ nữ. Nó cũng mang những giá trị văn hóa cũng như chứa đựng trí khôn của người Joseon xưa. Và Jogakbo là hình ảnh đại biểu cho niềm vui nỗi buồn của cuộc sống khó khăn xưa đối với những người lớn tuổi.

Jogakbo được may bằng mũi khâu vắt, mũi khâu này có đặc trưng là đường may đẹp và khít. Điều này tạo độ bền rất cao, các mảnh vải không dễ dàng bị tuột chỉ. Những mảnh vải nhỏ bé được may bằng mũi khâu khít mang ý nghĩa rằng cầu mong cho hạnh phúc của gia đình cũng bền chặt như tấm vải Jogakbo. 

Các mẫu Jogakbo với hoa văn cũng được sáng tác với những thông điệp ẩn chứa. Chẳng hạn như chong chóng ẩn chứa hi vọng về cuộc sống thuận lợi, tốt đẹp. Hay như trong các mẫu Jogakbo dành cho trẻ em, những hình tam giác chắp vá trên đỉnh mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, đem lại may mắn.

 

VI. ỨNG DỤNG CỦA JOGAKBO TRONG CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI

Dù là thời xa xưa hay ngày nay, Jogakbo vẫn luôn nhận được sự yêu thích trên toàn thế giới. Với đặc trưng là nhiều màu sắc với họa tiết ô vuông, nó đã được người Hàn Quốc hiện đại sử dụng đa dạng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tiêu biểu chẳng hạn như trong trang phục, đồ dùng nội thất, đồ thủ công mỹ nghệ hoặc thậm chí là ngay trong cả kiến trúc, nghệ thuật.

1. Kiến trúc

Lấy ví dụ điển hình như bức tường của tòa nhà triển lãm 2013 Cheongju International Craft Biennale, được trang trí bởi họa tiết Jogakbo đầy màu sắc. Bức tường này được tạo nên từ chiến dịch “Jogakbo Replay” với sự tham gia tích cực của giới trẻ Hàn Quốc. Mỗi người tham gia sẽ đảm nhận trang trí một mảnh Jogakbo và cùng nhau ghép các mảnh lại với nhau. Điều này đã cho thấy được tinh thần hòa hợp của Jogakbo. Đây cũng được xem là tác phẩm nghệ thuật Jogakbo đầu tiên và lớn nhất trên thế giới.

Ngoài ra, sự ứng dụng của Jogakbo trong kiến trúc còn phải nhắc đến tòa nhà Shanghai Expo Korea Pavilion. Tòa nhà được thiết kế với motif Hangeul, những bức tường bên trong tòa nhà được trang trí với concept Hangeul là chủ đạo. Thiết kế bên ngoài tòa nhà là sự kết hợp giữa những tấm sắt trắng được khắc hình chữ cái Hangeul và những câu nói được viết lên nền Jogakbo đầy màu sắc.

>> Hangeul (한글) – Học bảng chữ cái tiếng Hàn từ A đến Z

2. Tác phẩm nghệ thuật

Jogakbo mang giá trị nghệ thuật cao với màu sắc hài hòa và có sự cân bằng màu sắc nổi bật. Vì thế được đánh giá là một tác phẩm nghệ thuật trừu tượng độc đáo đậm nét Hàn Quốc truyền thống. Từ đó, những nghệ sĩ đã sử dụng Jogakbo như một chất liệu để sáng tạo nên những tác phẩm. Điển hình là tác phẩm Jogakbo Integradation (2019), được trưng bày ở Australia Design Centre. 

3. Trang phục 

Ví dụ điển hình cho ứng dụng của họa tiết Jogakbo trong lĩnh vực thời trang đó là trong bộ sưu tập Chanel Cruise 2015/16 của Chanel. 

Sự kết hợp màu sắc táo bạo của dải vải nhuộm và những mảnh vải lanh sáng màu được chắp vá đã làm nền cho họa tiết Jogakbo nổi bật . Đặc biệt, các chi tiết của Jogakbo được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, và Karl Lagerfeld – nhà thiết kế của bộ sưu tập cho biết: “Đây là kỹ thuật duy nhất của Hàn Quốc mà không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.”

4. Các lĩnh vực khác

Ngoài ra, với sự kết hợp màu sắc táo bạo nhưng vẫn hài hòa, Jogakbo còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác.

  • Thủ công mỹ nghệ 
  • Đồ nội thất

Đặc biệt, bên cạnh đó, chúng ta không thể không nhắc đến sự kiện, tại một cuộc họp báo ở Seoul vào tháng 12 năm 2013, giám đốc IMF Christine Lagarde đã choàng một chiếc khăn Jogakbo nhận được từ cựu Bộ trưởng Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Cho Yoonsun, người hiện đang giữ chức vụ thư ký Tổng thống lúc bấy giờ. 

 

VII. TỔNG KẾT

Tổng kết lại, Jogakbo không đơn giản chỉ là một họa tiết trang trí mà nó đã trở thành một đại diện tiêu biểu cho loại hình nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc. Và nó còn thể hiện được những giá trị văn hóa truyền thống cũng như chứa đựng trí khôn của người Hàn Quốc. Hy vọng bài viết trên có thể giúp các bạn hiểu thêm về nghệ thuật truyền thống tuyệt vời này.

Tổng hợp bởi: Zila Team

Chia sẻ


Call Now Button